Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Hannah Arendt và khoảng trống của suy tư thời hiện đại

Thứ Ba, 31/12/2019 09:15

Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế - Đại học Thái Bình Dương đã tổ chức buổi toạ đàm học thuật với chủ đề “Hannah Arendt và khoảng trống của suy tư thời hiện đại” với sự tham gia của hai diễn giả là TS Nguyễn Thị Minh (giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) và nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn.

Tại sự kiện, các diễn giả giới thiệu về Hannah Arendt và cuốn sách đầu tiên của bà được dịch ra tiếng Việt Between Past and Future (Giữa quá khứ và tương lai).

Cuốn sách tập hợp 8 tiểu luận là 8 bài thực hành tư duy (Truyền thống và thời hiện đại, Khái niệm lịch sử, Quyền uy là gì, Tự do là gì, Khủng hoảng trong giáo dục, Khủng hoảng trong văn hóa, Chân lí và chính trị, Việc chinh phục không gian và tầm vóc của con người), suy tư về các khủng hoảng của chính trị, văn hóa, giáo dục phương Tây thời hiện đại, mục đích là để phát hiện ra nguồn gốc thực sự của các khái niệm truyền thống, chưng cất từ chúng một cách mới mẻ tinh thần nguyên thủy đã mất. Đặc biệt, buổi toạ đàm nhấn mạnh vào khái niệm “khoảng trống” - một đề xuất của Arendt về không gian suy tư của nhà triết học nhân văn chủ nghĩa giữa quá khứ và tương lai - và khái niệm “chân lí kiện tính”.

Cuốn sách có phần tài trợ dịch thuật của Viện Goethe

Theo TS Nguyễn Thị Minh, Arendt mượn câu chuyện Hắn của Kafka (“Hắn” có hai đối thủ. “Hắn” chiến đấu với cả hai. Giấc mơ của “hắn” là trong một khoảnh khắc xuất kì bất ý nào đó, “hắn” sẽ nhảy ra khỏi vòng chiến và được thăng cấp lên vị trí trọng tài đối với hai đối thủ trong cuộc chiến với nhau) để nói về tình thế của con người hiện đại: đứng trước hai lực đối kháng của quá khứ và tương lai, anh phải suy tư trong “khoảng trống”. Nó là cái nằm giữa, một không gian phi thời gian nơi người ta gạt bỏ mọi định kiến, gánh nặng quá khứ và ám ảnh tương lai để suy tư một cách công tâm và thấu suốt, để bắt đầu một điều gì mới, vì những khủng hoảng của thời hiện đại khiến người ta không thể suy tư theo kiểu cũ nữa. Với Arendt, sự bắt đầu là bản chất của việc làm người. Muốn suy nghĩ, mình phải gạt bỏ hết những định kiến, phải suy tư từ đầu và vì thế mới có thể tạo ra những cái đầu tiên.

Khái niệm “chân lí kiện tính” của Arendt, cũng theo TS Nguyễn Thị Minh, được hiểu là chân lí của sự kiện, là sự thật xảy ra trong các sự vụ của con người, phân biệt với chân lí lí tính là chân lí trong triết học nói riêng và khoa học nói chung. "Chân lí kiện tính" thường bị bóp méo, xuyên tạc vì nhiều lí do: che giấu sự thật, lừa dối người khác, và, nguy hiểm hơn là, hủy diệt luôn chân lí kiện tính đó. “Chân lí kiện tính” mong manh (bởi chỉ tồn tại trong một lĩnh vực - nơi các sự vụ của con người luôn thay đổi), thuộc về thế giới của cái bất tất, và việc phá hủy "chân lý kiện tính" hết sức nguy hại vì điều này đồng nghĩa với việc phá hủy thế giới (làm xói mòn mảnh đất thực tại ta đang đứng mà không có nơi thay thế, phá hủy điều kiện để tự do biểu đạt tư kiến), phá hủy chính người nói dối (anh ta hoặc trở thành nạn nhân của chính mình - tự lừa dối, hoặc tự mâu thuẫn với chính mình và mất khả năng suy tư). Về mặt khái niệm, có thể gọi chân lí là những gì không thể thay đổi được; còn nói một cách ẩn dụ, đó là mặt đất trên đó ta đứng và là bầu trời trải rộng trên đầu ta.

Về tên sách của Arendt - Giữa quá khứ và tương lai (8 bài tập tư duy chính trị) - nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn bình luận: “Thử nghiệm tư duy” là để cho năng lực tưởng tượng của tư duy tự do bay bổng về phía những chân trời mới, những giả định mới, sáng tạo và đột phá. Còn “bài tập tư duy” giúp kiểm nghiệm hệ lí thuyết và khái niệm vừa mới định hình, nhưng cũng là cơ hội phát hiện những ẩn số mới, những thách thức mới mà hệ lí thuyết chưa bao quát hết.

VŨ PHONG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)