Người tiên phong của văn học Mĩ

Thứ Bảy, 05/11/2022 00:42

Edgar Allan Poe được coi như một trong những nhà văn đã đặt nền móng cho văn chương Mĩ, có nhiều ảnh hưởng đến các tác giả cùng thời cũng như sau này. Trong di sản của ông, nổi bật nhất là các mảng truyện ngắn kinh dị, phê bình văn học cũng như thơ ca. Nhưng ít ai biết ông cũng là một nhà viết truyện trinh thám “thật sự”, và một trong những nhân vật thám tử của ông đã “mở đường” cho các tiểu thuyết trinh thám-phá án sau này.

Mới đây, tuyển tập truyện kinh dị - siêu nhiên Con mèo đen cũng như bộ triology tác phẩm về viên thám tử Dupin: Vụ án mạng đường Morgue đã ra mắt bạn đọc Việt Nam. Cùng với tác phẩm phê bình đã được chuyển ngữ trước đó, lần ra mắt này đã làm trọn vẹn hơn di sản của một nhà văn lớn, người có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong văn chương châu Âu thế kỉ 19 mà còn rộng khắp sau này.

NGƯỜI THỔI HỒN VÀO TÍNH SIÊU NHIÊN

Cho đến ngày nay, nhắc đến E.A.Poe. người ta vẫn hay gắn ông với hình tượng chú mèo đen như một truyện ngắn cùng tên. Là người thổi hồn vào tính siêu nhiên, các nhân vật của Poe dường như vẫn luôn thường trực một nỗi ám ảnh, từ đó nảy sinh ra những ảo giác cũng như nỗi sợ dần biến đổi họ. Những truyện ngắn siêu nhiên của ông phần nào chất chứa cảm quan cá nhân, và vẫn có thể giải đáp một cách logic. Từ đó nâng thể loại này lên một tầm cao mới, khác xa với truyện kinh dị - dân gian thông thường.

Lúc còn sinh thời, Poe nghiện rượu cũng như ma túy. Sau cái chết vì bệnh của người vợ, cộng với đói nghèo và chứng rối loạn lo âu, tất cả đã biến ông thành một người trầm cảm, điên loạn trầm trọng. Không ít lần ông đã cố tự sát, và vào năm 1849, ông đã mất tích 5 ngày bí ẩn, để rồi cuối cùng không may như Agatha Christine, ông đã qua đời vài ngày sau đó, với nguyên nhân cái chết là “viêm não” – từ chỉ cái chết không rõ nguyên nhân vào lúc đương thời.

Chân dung họa lại Edgar Allan Poe.

Có lẽ cũng vì lẽ đó nên những tác phẩm kinh dị - siêu thực của ông thiên về tinh thần hơn là hành động về mặt thể xác. Xuyên suốt những truyện ngắn này là những cá thể bị ám ảnh bởi nỗi sợ cũng như hoài nghi một điều gì đó, để cuối cùng khép lại vẫn là cái chết luôn chờ đón họ. Có những tác phẩm hiện thực như Sự sụp đổ của nhà Usher, Bức chân dung hình bầu dục hay Chôn sống... Ngược lại cũng có những sáng tác thiên về tâm lí, đậm đặc màu sắc siêu thực, như Mặt nạ của Tử thần đỏ, Thùng rượu Amontillado hay Sự thật về vụ Valdermar…

Các nhân vật này vẫn thường mấp mé tình trạng tinh thần sa sút và đầy sầu muộn mà không điều gì có thể giảm bớt. Trong truyện về nhà Usher, người hậu duệ duy nhất của dòng họ này đã thành nô lệ của nỗi sợ bất thường, vì tính di truyền của chứng bắt thế cũng như bối cảnh dinh thự mà anh ta sống. Trong khi đó với truyện ngắn nổi tiếng Con mèo đen hay Trái tim kể tội, cả hai nhân vật chính chỉ vì một nỗi ám ảnh không thể lí giải, đã bị phá hủy từ trong tâm tính đến tận gốc rễ, từ đó hình thành nên một sự tha hóa như là tất yếu không thể giải thích.

Không khí các tác phẩm của Poe có thể gây sợ về các mô tả gothic như trong Sự sụp đổ của nhà Usher, Mặt nạ của Tử thần Đỏ… với những tòa nhà mục ruỗng, những hầm rượu ẩm ướt, chốn lâu đài xa hoa… hoặc là e sợ từ trong hành động và những tội ác không hề ghê tay. Poe tiến sau vào địa hạt tâm lý bằng thứ văn miêu tả một cách sâu sắc hiện tồn giữa nỗi sợ và các yếu tố logic, khoa học có thể lý giải.

Như thể câu chuyện về chứng bắt thế hay giữ nguyên tư thế có thể giải thích cho câu chuyện ma kinh khủng ở nhà Usher, hay việc thôi miên ở dạng tiềm thức có thể lý giải cho truyện Sự thật về vụ việc Valdermar. Poe đem đến một sự tiến bộ trong cấu trúc truyện, phản ánh một cách chân thật việc thương tổn tinh thần có thể hủy hoại con người đến như thế nào, khi đưa họ đến những hành động tha hóa và không nhân tính tưởng như chỉ có ma quỷ làm được, từ đó cảnh báo một cách rõ ràng những bất ổn tâm trí.

Cũng như Le Fanu, Poe có sự tìm tỏi về những biện giải tri giác, mộng ảo, hệ thần kinh cũng như nỗi sợ nguyên thủy để làm giàu thêm cho các tác phẩm của mình. Từ đó làm nên một nét nổi bật trong các truyện ngắn kinh dị của ông. Thông qua đó, ảnh hưởng của sức khỏe tinh thần cùng những nguyên nhân và hậu quả được đưa ra ánh sáng một cách rõ ràng, trong một cõi tâm lý phức tạp có phần tiến bộ ở thời điểm này.

Tính nghịch dị cũng là đặc trưng rất đáng chú ý trong những tác phẩm siêu nhiên của ông. Thể hiện ở một cốt truyện bình lặng với nhịp diễn tiến từ từ, càng cuối tác phẩm, mọi chuyện dâng lên cao trào và rồi xuất hiện chi tiết “bản lề” vô cùng ớn lạnh và đầy độc đáo. Độc giả thấy được điều này ở Con mèo đen, Trái tim thú tội… Và cũng có thể chính từ nơi đây, những điểm độc đáo trong văn chương của Yoko Ogawa, Flanner O’Connor… đã được xác lập.

TRUYỆN TRINH THÁM “THẬT SỰ” ĐẦU TIÊN

Arthur Conan Doyle, cha đẻ của Sherlock Holmes đã từng nói rằng: “Truyện trinh thám đã ở đâu, cho tới khi được Poe thổi vào đó hơi thở của sự sống?”. Và cho đến hiện tại, Poe vẫn được coi như một trong những tác giả đầu tiên viết truyện “trinh thám” thật sự, mở đường cho thể loại này cũng như ảnh hưởng đến những tác phẩm vô cùng giá trị qua bao thời đại.

Hai tác phẩm kinh dị và trinh thám - phá án của Edgar Allan Poe.

Có lẽ học từ những nét đặc trưng của Poe, mà những nhân vật thám tử trong các series phá án nổi tiếng thế giới đều có một điểm gì đó lập dị và khá khác thường. Trong tác phẩm của Poe, đó là Dupin – một người ham thích thiền định cũng như “Nàng đêm” - bóng tối. Y chuyên sáng tạo cũng như phân tính, với một tính khí có phần thất thường với đủ thứ suy luận được rút ra từ các nền tảng mang tính triết lý.

Khác với những “thám tử” sau này, Sherlock Holmes có lẽ là nhân vật chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Dupin, khi cũng là người suy luận chứ không trực tiếp có những mối liên hệ với các vụ án như trong các nhân vật của trinh thám hiện đại sau này. Ở Dupin, những đặc trưng về óc quan sát đã được xây dựng như điểm độc đáo ở nhân vật này. Rất nhiều nguyên lí phá án đã được Poe gán cho nhân vật, từ đó hình thành nên một mẫu hình nhân vật độc đáo và không giống ai.

Rằng hắn, khác với giới chuyên nghiệp, vẫn thường chú trọng đến những sự kiện phụ trội chứ không tập trong vào những gì được cho là trọng tâm. Hắn coi trọng những điểm dị biệt, khác thường, và thường trực trả lời câu hỏi là “Chuyện gì chưa từng xảy ra mà giờ đã xảy ra? chứ không phải Chuyện gì đã xảy ra?”. Sự ngẫu nhiên, tính thứ yếu cũng như tình cơ có phần phi logic đôi khi là điểm yếu của các truyện này, tuy thế nó cũng được giảm nhẹ phần nào bằng các phân tích đã được sắp xếp và thống nhất của Poe.

Cũng như Holmes, Dupin phá án bằng suy luận, và tôn thờ nền tảng của Chamfort: Bất kì ý tưởng và quy ước nào được chấp nhận rộng rãi đều sai lầm hết, vì nó chỉ đơn giản là điều số đông thấy thuận tiện. Cũng như trong các mảng đề tài khác, Poe cũng gạt bỏ những truyền thống cũ, để tiến sâu hơn vào những khía cạnh không được nhiều người quan tâm, từ đó làm nên dấu ấn của mình.

Như vậy qua sự tiên phong ở hai thể loại kinh dị - siêu nhiên – tâm lý và truyện trinh thám – phá án với những sáng tạo vô cùng mới mẻ, Poe đã mang đến một nhãn quan vô cùng độc đáo từ những sự vật, sự việc tồn tại từ lâu. Từ đó làm trọn vẹn thêm cách nhìn, mang đến một khía cạnh khác vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)