Hình tượng người lính hôm nay trong lục bát hiện đại

Thứ Hai, 10/02/2025 00:33

. TÂM ANH
 

Người lính hôm nay là một đề tài trung tâm của dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Khái niệm người lính hôm nay dùng để chỉ những người lính trưởng thành trong thời bình, chưa trải qua bom đạn chiến tranh. Mặc dù chưa có được những hình tượng “bề thế”, “hoành tráng”, “bất tử” tạc vào trời xanh như hình tượng người lính trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng hình tượng người lính hôm nay vẫn chạm đến trái tim bạn đọc theo một cách riêng. Khi viết về người lính hôm nay, các nhà thơ tập trung khai thác ở hai khía cạnh chính: những vất vả gian lao và vẻ đẹp của họ.

 

1. Những vất vả, gian lao

Người lính dù trong thời chiến hay thời bình cũng thường xuyên phải đối diện với những khó khăn, vất vả gian lao. Nếu ở thời chiến là chiến trường khốc liệt với đạn bom, khói lửa, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc thì ở trong thời bình, những người lính cũng phải đối mặt với những gian lao, thử thách riêng. Nỗi vất vả, gian lao đầu tiên mà người lính phải đối mặt là điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, gian khổ. Với những người lính hải quân canh giữ vùng biển trời quê hương, khó khăn đầu tiên và cũng là lớn nhất là chuyện thiếu nước ngọt. Nước ở đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn quý như vàng, như máu. Những người lính phải chắt chiu, san sẻ từng ca nước ngọt, từng bát nước mưa như trong thơ Trần Quang Đẩu: Mỗi người quê ở một nơi/ Chung nhau bát nước mưa trời giăng giăng (Đảo chìm). Nước được người lính hải quân tận dụng hết “công suất”, không để lãng phí dù chỉ một giọt: Múc nghiêng ca nước con con/ Nghiêng thau rửa mặt để còn rửa chân/ Nghiêng nghiêng tưới máng rau xanh/ Rau ăn dần, luống trở thành nghiêng nghiêng (Ở nghiêng - Phạm Ngọc Thạch).

Ngoài nước ngọt, rau xanh cũng rất khan hiếm. Để có một luống rau xanh, người lính hải quân phải rất vất vả, kì công: mang từng nhúm đất, từng hạt giống ra đảo; tận dụng mọi địa hình, mọi vật liệu để trồng rau, dành dụm, tận dụng từng ca nước để tưới; chăm bẵm canh chừng sao cho rau không bị héo, úa tàn bởi cái nắng, cái gió nơi đảo xa. Từng khay rau, từng luống rau lên xanh tốt đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của người lính hải quân trong lời thơ Nguyễn Hữu Quý: Cũng vàng hoa mướp rung rinh/ Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/ Mồng tơi ra với Trường Sa/ Lá xanh quấn quýt như là đợi em/ Muốn xem ra đó mà xem/ Rau sam trên đá rau dền trong khay/ Đất quê đóng gói về đây/ Lính gieo hạt xuống thành cây thành làng (Làng đảo).

Bên cạnh nỗi vất vả, khó nhọc do thiếu nước ngọt, rau xanh, những người lính hải quân còn thường xuyên phải đối mặt với hiểm họa đến từ đại dương. Xung quanh nhà giàn, đảo chìm, đảo nổi là “mịt mùng bốn phía sóng dâng”. Những con sóng lúc bình thường nhất cũng khiến sinh hoạt của họ bị đảo lộn. Phạm Ngọc Thạch đã có phát hiện độc đáo khi nhận thấy mọi sinh hoạt trên nhà giàn đều nghiêng nghiêng chứ không thẳng như trên bờ do bị sóng đánh quanh năm: Nhà giàn giữa biển sàn nghiêng/ Mà lòng bằng phẳng một miền nước non/.../ Rau ăn dần, luống trở thành nghiêng nghiêng/ Xem nghiêng một lá thư riêng/ Đọc nghiêng mảnh báo có tin quê nhà (Ở nghiêng). Không chỉ xô nghiêng, những cơn bão hung bạo của biển khơi còn xô đổ nhà giàn, cuốn những người lính kiên trung vào lòng biển. Hình ảnh người lính trước khi hi sinh vẫn kịp gửi lời chào đồng đội trong thơ Lệ Bình để lại bao thương cảm trong lòng bạn đọc: Sóng gầm thét vỗ từng cơn/ Xô nhà giàn đổ bồn chồn biển khơi/ Đồng đội trước phút cạn hơi/ Lời chào kịp gửi về nơi tiễn mình/ Thềm lục địa đón anh linh/ Những người lính biển hi sinh lặng thầm (Kí ức nhà giàn).

Nếu biển cả gây ra bao nhọc nhằn, vất cả cho người lính hải quân thì biên cương, núi rừng lại thử thách những người lính mang quân hàm xanh theo một cách riêng. Những chiến sĩ biên phòng phải đi gác, đi tuần trên những cung đường cheo leo, nguy hiểm. Nguyễn Thị Ngọc Hà đã miêu tả con đường tuần tra lên dốc xuống đèo giữa núi rừng âm u, trong màn đêm tối bao la của đất trời bằng những câu lục bát ấn tượng: Điệp trùng dốc dốc đèo đèo/ Rừng hoang thăm thẳm gió reo sương dầm/ Cầu mây bắc nhịp tháng năm/ Bập bênh từng khúc thăng trầm đi qua (Nụ cười biên cương). Không chỉ “hụt hơi” với đèo cao dốc sâu, trên cung đường tuần tra, người lính biên phòng còn phải vượt qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Họ phải hứng những trận mưa rừng dai dẳng, ướt sũng cả người trong đêm thâu: Nhớ đêm gió cả mù sa/ Chăn mây chiếu lá rừng già canh thâu (Nhớ biên cương - Trần Hữu Tòng). Ngoài sương giăng, mây phủ, mưa rừng, những người lính biên phòng còn phải đối mặt với cái nắng khủng khiếp nơi biên cương. Cái nắng gay gắt làm người chiến sĩ biên phòng chói mắt: Hạ ơi không áng mưa mù/ Trời nung lóa mắt trắng mùa mây bông (Hạ ở Đồn biên phòng 933 - Hồ Thanh Điền).

Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện ăn ở còn thiếu thốn, thiên nhiên khắc nghiệt, nguy hiểm có thể phải hi sinh tính mạng nhưng đó vẫn chưa phải là trở ngại, khó khăn lớn nhất, khó vượt qua nhất của người lính biên phòng nói riêng, người lính hôm nay nói chung. Với họ, việc vượt qua những trở ngại tâm lí mới là điều khó khăn nhất. Trở ngại tâm lí đầu tiên người lính hôm nay phải đối mặt là nỗi cô đơn. Quanh năm suốt tháng sống với biển, với đảo, với tiếng sóng rì rào, người lính hải quân trong thơ Nguyễn Hữu Quý mặc dù đã qua tuổi nhi lập nhưng vẫn chưa thể tìm cho mình người yêu, tìm cho mẹ một cô con dâu ngoan hiền như đã hứa. Thẳm sâu trong tâm hồn người lính biển là những nỗi niềm, tâm sự chất chứa đầy vơi khó tỏ bày với người khác: Không em ngồi hát với rằm/ Quanh năm lính biển ăn nằm đại dương/ Ba lăm tuổi chưa người thương/ Lênh đênh góc khuất tỏ tường mấy ai (Lính biển - Nguyễn Hữu Quý).

Bên cạnh nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ người yêu cũng là những rào cản tâm lí lớn đối với những người lính hôm nay. Khi cả nước đang vui đón năm mới, những người lính biên phòng lại gạt đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê lặng lẽ đi tuần trên con đèo xa vắng: Giao thừa vui ánh pháo hoa/ Nhớ anh lính trẻ đèo xa phiên tuần (Nhớ biên cương - Trần Hữu Tòng). Viết về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân của người lính biên phòng, nhà thơ Du An có tứ thơ độc đáo: do công tác dài ngày, xa nhà lâu quá nên khi được về phép, người lính biên phòng không chỉ phải làm thân lại với con mà còn phải “làm quen” lại với cả người đầu gối tay ấp với mình bấy lâu nay; lối nói “thậm xưng” ấy đã lột tả một cách tinh tế những ngổn ngang tâm sự của người chiến sĩ công tác nơi biên cương: Tháng năm chăn chiếu bỏ quên/ Mỗi lần về phép làm quen vợ mình/ Mẹ ơi hai chữ hi sinh/ Con đi lối rẽ vô hình sương sa (Đêm Lăng Luông).

Trong những tháng ngày đằng đẵng thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị, những người lính không khỏi chạnh lòng khi nhớ quê nhà. Nơi đó có cha mẹ già, có người yêu đang ngày ngày mong nhớ. Nỗi nhớ, sự mong ngóng những chuyến phép về với gia đình, người yêu luôn chực chờ trong tâm trí người lính: Dưới quê thầy mẹ chưa già/ Có cô hàng xóm chưa là người yêu/ Trong thư lấp lửng bao điều/ Bao nhiêu là nhớ, bấy nhiêu là chờ (Màu cờ biên cương - Lê Đình Cánh).

Người lính hải quân trong thơ Lê Mạnh Thường khi công tác nơi đảo xa thèm nghe một lời ru của mẹ, nhớ da diết làng quê mái đình, bờ tre, bãi mía, nương dâu. Những dòng thư gửi mẹ như mang cả tấm chân tình của người lính với gia đình, với quê hương: Đảo xa có thiếu gì đâu/ Chỉ thèm tiếng mẹ “ví dầu, ầu ơ”/ Thèm nghe tiếng gọi trẻ thơ/ Bố ơi cô Tấm trong mơ hiện về/ Nằm nghe sóng vỗ bốn bề/ Lòng thao thiết nhớ con đê làng mình/ Bờ tre, gốc rạ, sân đình/ Nương dâu, bãi mía in hình bóng ai/ Cánh thư dệt ngắn đêm dài/ Chở tình con mẹ ra ngoài trùng dương (Viết từ đảo xa). Trong khi đó, nhà thơ Lê Bình “phân thân” làm hai, nửa nói hộ nỗi lòng của cô gái, nửa nói hộ nỗi lòng của chiến sĩ hải quân. Tình yêu của họ thật đẹp nhưng luôn đong đầy nỗi nhớ, đong đầy nỗi khát khao được gặp nhau. Ngoài đảo xa, người chiến sĩ hải quân mong ngóng thư người yêu từng giờ từng phút. Trong đất liền, cô gái lặng ngồi đếm từng con sóng, nghe tiếng sóng vỗ rì rào mà ngỡ như lời của người yêu: Em ngồi trước biển Vũng Tàu/ Nghe lời sóng vỗ trắng màu tâm tư/ Anh ra ngoài đảo khát thư/ Nhìn trời đếm nắng đong mưa tính giờ/ Nhớ anh biển cũng lệch bờ/ Em nâng hạt cát còn mơ tay cầm/ Vượt qua bão tố lặng thầm/ Tình em gieo hạt mưa dầm lắng sâu/ Hòa bình chia nhớ hai đầu/ Biển xanh thắm lại trong nhau mặn mòi (Lặng thầm trước biển).

 

2. Vẻ đẹp của người lính hôm nay

Song song với việc khắc họa những khó khăn, gian khổ, các nhà thơ còn tập trung tái hiện vẻ đẹp của người lính hôm nay. Những con người trẻ tuổi, những thế hệ tương lai của đất nước, bước vào quân ngũ với niềm tự hào về lịch sử cha ông, về truyền thống vẻ vang bách chiến bách thắng của quân đội: Trời Nam đất Việt quê ta/ Ải Chi Lăng vọng vang xa tận cùng (Hành quân qua ải Chi Lăng - Trần Quang Hiển). Họ có quan niệm đúng đắn rằng quân đội là trường học lớn, là nơi rèn luyện bản thân tốt nhất. Với người lính binh nhì trong thơ Bình Thanh, mùa tân binh, mùa nhập ngũ cũng là mùa thử thách ý chí nghị lực: Mùa xuân thử sức chí trai/ Đất trời nghiêng tựa đôi vai quân hành (Giấc mơ binh nhì), giúp cho mình cứng cáp hơn, rắn rỏi hơn và trưởng thành hơn, không còn nông nổi, bồng bột như trước: Núi thì lõm thung thì cao/ Biển sâu sóng vỗ dạt dào xa khơi/ Gói bao nông nổi một thời/ Thả dòng kí ức trôi lời biệt li (Giấc mơ binh nhì).

Những người lính hôm nay tuổi mới đôi mươi, là thế hệ sinh ra, trưởng thành sau chiến tranh, được ăn học tử tế, đàng hoàng, có nền tảng tri thức, văn hóa. Hành trang người lính ngoài ba lô và những vật dụng cần thiết còn có những trang Kiều: Đường dài trĩu nặng trên lưng/ Nàng Kiều thủ thỉ đoạn trường đa đoan/ Ba lô gối súng nằm ngang/ Ngủ gà ngủ gật nghe quàng tiếng ai (Trên đường hành quân - Cao Ngọc Thắng).

Không chỉ có nhận thức đúng đắn, nền tảng học vấn cao, những người lính hôm nay còn là những con người tài hoa, lãng mạn. Một chớm thu trên đường hành quân cũng đủ làm tâm hồn người lính trẻ xao xuyến, bâng khuâng: Lính mình rất khoái mùa thu/ Trời xanh cả tiếng chim gù cũng xanh/ Mùa thu mặc áo phong phanh/ Dép lên quai hậu là hành quân thôi/ Mong manh một lát mây trời/ Rừng se se nắng lá hơi hơi vàng/ Gió đùa trong lá ngụy trang/ Vờn vai áo lính, ngỡ ngàng chi nhau (Mùa thu của lính - Hoàng Đình Quang).

Với giọng hát trầm ấm, da diết, ngọt ngào, người lính hôm nay đã “khuấy động” núi rừng, tạo ra một đêm lửa trại hào hứng, sôi nổi, xua tan đi cái mệt mỏi của cuộc hành quân: Màn đêm lặng lẽ xuống rồi/ Chúng tôi ôm súng vẫn ngồi hát ca (Những người lính ở biên giới - Văn Lê).

Học thức cao, lãng mạn tài hoa, song những người lính hôm nay vẫn rất mực chịu thương chịu khó, chăm chỉ, lành nghề trong chuyên môn nghiệp vụ. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý ngợi ca sự lành nghề của những người nữ chiến sĩ thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trong Gửi em cô thợ súng. Bên dây chuyền sản xuất súng, những bàn tay búp măng, thanh mảnh của các nữ chiến sĩ thoăn thoắt thực hiện thành thạo nhiều động tác, tạo nên những cây súng chất lượng cho quân đội: Sinh ra từ những cánh đồng/ Đường khương tuyến, rãnh, xoáy nòng biết đâu/ Nhớ sao cái thuở ban đầu/ Ngỡ ngàng cây súng ánh màu thép đen/ Dần dà, trước lạ sau quen/ Súng to, súng nhỏ gọi tên làu làu (Gửi em cô thợ súng).

Ở nơi biên ải nắng rát, những người lính biên phòng trong thơ Nguyễn Đình Chiến với sự cần cù, chăm chỉ của mình đã đem lại màu xanh cho nương rẫy. Từng ruộng lúa, nương ngô nơi đây đều tưới đẫm mồ hôi của người lính biên phòng trong những ngày đầu trồng rẫy gian khó: Rẫy xanh tươi mướt đất cằn/ Rau đằm vị ngọt nhọc nhằn bao công/ Nhìn xanh màu áo biên phòng/ Thấy như bao sắc xanh cùng hòa chan/ Lên đây biên giới ngút ngàn/ Cõng lưng nắng lửa đất cằn giẫm lên/ Nhắc ta năm tháng bình yên/ Cỏ xanh màu áo bám biên dãi dầu (Ghi ở biên giới Vĩnh Gia).

Một trong những vẻ đẹp nổi bật của người lính hôm nay là tình cảm quân dân keo sơn, gắn bó. Tình cảm ấy biểu hiện ở niềm vui sướng của người lính hải quân khi đón những công dân mới sinh sống trên đảo. Những người dân đến các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, sinh sống, cùng nhau lập gia đình, sinh con đẻ cái. Tiếng bi bô nói cười của trẻ nhỏ trên đảo đem lại niềm vui lớn lao cho người lính hải quân. Tiếng khóc của em bé đã xua tan đi nỗi cô đơn, vắng lặng trên đảo, đem lại cho đảo một sức sống, một sinh khí mới. Những người lính hải quân thấy mình như có trách nhiệm hơn, vững tâm hơn, chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương: Ơ kìa tiếng trẻ bi bô/ Đã cho đảo đá non tơ lại mình/ Những người lính gác thanh bình/ Vững tâm hơn trước bình minh tiếng gà (Đảo từ ngày có tiếng trẻ con - Nguyễn Hưng Hải).

Cùng với những công dân sinh sống thường xuyên, đảo thi thoảng còn đón những vị khách đặc biệt: đoàn văn công ra đảo giao lưu, hát cùng bộ đội. Với người lính hải quân, quanh năm xa nhà, xa đất liền, thì sự xuất hiện của đoàn văn công trên đảo là một sự kiện lớn trong đời. Bầu không khí đón đoàn vô cùng náo nhiệt, sinh động. Người lính hải quân đón đoàn văn công, thưởng thức cổ vũ họ bằng tất cả tấm chân tình của mình. Và khi chia tay, người lính lưu luyến nhớ nhung. Một ngày với văn công mà tình nghĩa như mấy trăm năm. Nhà thơ Vương Trọng đã rất tinh tế khi miêu tả tâm trạng bồi hồi có phần hẫng hụt của người lính hải quân đứng mãi trên đảo, ngắm con thuyền chở đoàn văn công cứ xa dần, xa dần. Trời đất cũng nổi cơn giông, cỏ cây cũng héo mòn như hòa cùng nỗi lòng của người lính đảo: Em theo thuyền ấy xa rồi/ Lính trên bãi đá bồi hồi đứng trông/ Sao trời còn nổi gió đông/ Đẩy thuyền về phía cửa sông còn gì (Em theo thuyền ấy).

Tình cảm quân dân còn được biểu hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực như giúp đồng bào dân tộc trong cuộc sống hàng ngày của người lính biên phòng. Người lính biên phòng vừa đóng vai người thầy đem cái chữ đến cho con em người dân bản, vừa đóng vai người con, người đàn ông trong gia đình giúp đồng bào dân tộc cấy lúa, trồng ngô: Luống cày lật nắng vàng nương/ Chữ gieo lấp lánh mái trường trong mây/ Khăn quàng ríu rít rừng cây/ Một thời trai trẻ nơi đây là nhà (Màu cờ biên cương - Lê Đình Cánh).

Và kết tinh của mối tình quân dân là những buổi hẹn hò, là những mối tình nồng thắm giữa người lính biên phòng với những cô gái bản xinh đẹp, dịu dàng. Cứ mỗi một mùa lễ hội là người dân vùng cao lại chứng kiến những đám cưới, những hạnh phúc lứa đôi ngọt ngào tô thắm thêm tình quân dân: Váy thêu rung cửa nhà rông/ Trống xuân giục hội kén chồng tân binh/ Hương xoài theo gót người xinh/ Biên cương áo lính đa tình Cù Bai (Đa tình Cù Bai - Lê Thị Mây).

Tình đồng chí đồng đội thân ái cũng là một trong những vẻ đẹp của người lính hôm nay. Nếu tình đồng chí, đồng đội của những người lính thời chiến là những thời khắc “đồng sinh cộng tử” trong chiến trường, là nỗi đau đớn khôn nguôi khi chứng kiến đồng đội nằm lại nơi chiến địa, là giây phút mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách, thì với những người lính hôm nay, tình đồng chí đồng đội là những phút giây “chia ngọt sẻ bùi”, “đồng cam cộng khổ”. Họ cùng nhau xem chung một phong thư nhà: Xem nghiêng một lá thư riêng/ Đọc nghiêng mảnh báo có tin quê nhà (Ở nghiêng - Phạm Ngọc Thạch), hay cùng nhau đùa nghịch, “giả gái” để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình: Đây không liền chị liền anh/ Chỉ toàn lính trẻ tròng trành ghép đôi/ Mình làm anh Cả, anh Hai/ Cậu làm liền chị mảnh mai thế mà (Đêm Trường Sa giã bạn - Phan Tùng Sơn). Họ lo cho nỗi lo đồng đội, chia sẻ những tâm tư, niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống: Tôi nhìn bạn bè trong đêm/ Nếp nhăn của bạn hằn trên trán mình (Những người lính ở biên giới - Văn Lê). Tình cảm giữa những người lính với nhau trong sáng, đẹp đẽ như vầng sao giữa trời: Cho nhau hiểu hết tâm tư/ Nghĩa tình đồng đội sáng như sao trời (Đảo chìm - Trần Quang Đẩu).

Có thể thấy, những vần lục bát hiện đại đã khắc họa thành công hình ảnh những người lính trẻ hôm nay, giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống, tâm tư, tình cảm, những vất vả, hi sinh của họ trong thời bình để từ đó thêm quý, thêm yêu màu xanh áo lính.

T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)