Milan Kundera và trò chơi đi tìm căn cước

Thứ Sáu, 07/03/2025 00:21

. ĐỖ THỊ HƯỜNG

 

Căn cước và bản nguyên

Căn cước là tên gọi khác của Bản nguyên (tên tác phẩm của Milan Kundera trong lần dịch và in đầu tiên ở Việt Nam năm 1999). Ở lần tái bản năm 2020, dịch giả Ngân Xuyên đã có sự điều chỉnh lại tên bản dịch, từ Bản nguyên thành Căn cước (Nxb Hội Nhà văn). Tên nguyên bản của tác phẩm là L’Identité (Identity, 1998). Đây được coi là tác phẩm có kết cấu đơn giản nhất của Milan Kundera với số lượng nhân vật và tình tiết ít nhất. Tuy nhiên, đây cũng là tác phẩm đầy thách thức đối với người đọc chính bởi sự ít ỏi của tình tiết và nhân vật đó. Nhan đề tác phẩm chính là yếu tố đầu tiên gây ra sự bối rối ở người đọc. Có lẽ vì thế mà dịch giả khi chuyển ngữ cũng đã có sự băn khoăn khi chuyển dịch L’Identité thành Bản nguyên hay Căn cước. L’Identité hay Indentity mang hàm ý cơ bản là nhân dạng, theo từ điển Cambridge thì Identity là “tên của một người và các thông tin khác cho biết họ là ai”. Chiếu theo nét nghĩa trên thì “bản nguyên” thiên về cách hiểu nét tính cách/ phẩm chất nguyên bản của một cá nhân, một con người; còn “căn cước” thì dường như lại đáp ứng được ý nghĩa “các thông tin khác cho biết họ là ai”. Trong bối cảnh hiện đại, khi công cuộc di cư, toàn cầu hóa và công nghệ số càng ngày càng phát triển thì vấn đề nhận dạng mỗi cá nhân con người, vấn đề căn cước dường như lại càng quan trọng. Cũng cần chú ý thêm, bản dịch mà dịch giả Ngân Xuyên dùng để dịch và in năm 1999 là bản tiếng Nga Подлинность (đăng trên tạp chí Иностранная литература, số 11/1998). Còn lần tái bản năm 2000, dịch giả có sửa chữa và chỉnh lí (rõ nhất là ở tên tác phẩm, tên các nhân vật). Tên nhân vật được viết lại theo quy tắc chính tả mới, bám sát nguyên bản và cách phiên âm quốc tế: Chantal thay cho Santal (bản năm 1999), Jean-Marc thay cho Jan Mark (bản năm 1999). Sự thay đổi tên nhân vật, theo chúng tôi, chắc chắn có sự tham khảo bản tiếng Pháp, cũng là lí do để khi tái bản dịch giả Ngân Xuyên đã điều chỉnh lại nhan đề là Căn cước, thay vì Bản nguyên. Căn cướcBản nguyên, mỗi cách dịch đều nhấn mạnh được những nét nghĩa nhất định của nhan đề nguyên bản L’Identité. Bản nguyên nhấn mạnh đến căn tính gốc, bản chất tự nhiên của nhân vật. Căn cước sẽ bao gồm cả căn tính gốc, những thông tin cơ bản nhất gắn với nhân vật, và cả những thông tin gắn với quá trình trưởng thành và sự dịch chuyển một cách cố định tương đối của nhân vật. Quá trình từ Bản nguyên đến Căn cước là một quá trình nhận thức, định hình giá trị và vị thế nhân vật, cũng cho thấy quá trình trưởng thành của nhân vật.

Nhân vật chính của Căn cước là một đôi đang yêu nhau Chantal và Jean-Marc. Tác phẩm chỉ xoay quanh câu chuyện tình yêu và cuộc sống chung của cặp này. Nhịp độ cốt truyện không căng thẳng mà chậm rãi theo nhịp sống đời thường của một đôi đã từng có những trúc trắc trong chuyện tình cảm. Chantal và Jean-Marc đến với nhau từ một sự tình cờ và nhanh chóng nhận ra họ thuộc về nhau. Cuộc sống của họ có thể nói là một chuỗi ngày hạnh phúc, cho đến khi có một vết gợn từ tâm lí của Chantal. Nàng sợ tuổi già của mình, sợ đến một ngày Jean-Marc sẽ rời bỏ nàng. Nỗi sợ hãi đến một cách ngẫu nhiên vô cớ khi Chantal chờ đợi Jean-Marc ở nơi họ đi du lịch. Thời điểm Chantal nói với Jean-Marc “Cánh đàn ông không quay nhìn em nữa” cũng là thời điểm nàng đã tự tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ của hai người.

Cuốn sách được cấu tứ theo từng chương ngắn, mỗi chương ưu tiên kể về một hoặc hai sự kiện gắn với một trong hai nhân vật chính. Qua từng chương, căn cước của từng nhân vật dần dần hé lộ. Chantal, một người phụ nữ thành đạt, xinh đẹp, đã từng có một đời chồng và một đứa con. Ngay sau khi đứa con trai mất, Chantal quyết tâm làm lại từ đầu, sống một cuộc sống cho riêng mình chứ không phải cuộc sống cho chồng và gia đình chồng. Chantal chán ghét cuộc sống bầy đàn ở nhà chồng, chán ghét việc nhà chồng ép nàng sinh thêm con, nàng tìm cách đi làm lại để có thể tự lập, thoát khỏi cuộc sống cũ. Như vậy, hành trình vượt thoát khỏi cuộc sống cũ chính là hành trình Chantal bắt đầu cuộc sống mới, xây dựng căn cước mới cho mình. Với sự tự tin của mình, Chantal nhanh chóng thực hiện được điều đó. Sự thay đổi ấy nhanh đến mức Chantal quyết li hôn chồng nửa tháng sau khi gặp được Jean-Marc, bởi nàng vẫn cần một người đàn ông - “tấm gương bằng da bằng thịt về một cuộc sống khác”. Khi ấy, chị chồng của nàng đã “vừa phục vừa căm” nàng, gọi nàng là Hổ Cái: “Cô ngồi im một chỗ, không ai biết đầu óc cô nghĩ gì, nhưng thoắt cái cô lao ra vồ một cú chết tươi.” Như vậy có thể thấy, trong bản thân Chantal đã tồn tại một bản nguyên sống hết sức mạnh mẽ, bản nguyên của một người luôn độc lập, tự chủ, luôn tìm cách sống cho mình. Bản nguyên ấy tạm ẩn đi trong cuộc sống bầy đàn với người chồng đầu tiên, trong sự hi sinh vì đứa con. Khi đứa con mất đi, khi tình yêu và sự tôn trọng với người chồng đầu tiên không còn, Chantal muốn trở lại bản nguyên thật của mình.

Thời điểm Chantal thổ lộ với Jean-Marc “Cánh đàn ông không quay nhìn em nữa” là thời điểm chứng kiến trò chơi tráo đổi căn cước trong tác phẩm. Cả hai nhân vật Chantal và Jean-Marc đều cùng tham gia vào trò chơi ấy. Chantal chính là người khởi xướng trò chơi, còn Jean-Marc là người chủ động nhập cuộc, điều hành cuộc chơi. Và qua cuộc chơi ấy, chính Jean-Marc mới là nhân vật bộc lộ nhiều căn cước hơn cả. Mặc dù trước đó tác giả để cho Chantal thừa nhận mình có ít nhất hai khuôn mặt: “Vâng, em có thể mang hai khuôn mặt, chỉ có điều không thể trong cùng một lúc. Khi ở bên anh em mang khuôn mặt nhạo báng. Khi ở công sở, em mang khuôn mặt nghiêm túc.”

 

Trò chơi tráo đổi căn cước

Jean-Marc trong tác phẩm hiện lên trước tiên trong mối quan hệ bạn bè với F., cách anh ta đối xử với một người được coi là bạn thân của mình từ thời niên thiếu cho đến khi có biến cố xảy ra. Jean-Marc và F. cùng làm một công ty, và khi Jean-Marc bị công kích vắng mặt thì F. không lên tiếng bảo vệ mà chỉ im lặng. Trong khi Jean-Marc coi đó là sự phản bội thì F. coi đó là phản ứng bảo vệ bạn của anh ta: bảo vệ không có nghĩa là phải lên tiếng (và có thể gây ảnh hưởng đến bản thân mình), mà bảo vệ còn có nghĩa là im lặng, không a dua công kích với những người khác. Đó là những cách hiểu, cách suy nghĩ vênh nhau. Từ thời điểm ấy Jean-Marc dần xa lánh để trừng phạt người bạn của mình, trong khi F. không hề hay biết. Jean-Marc kiên quyết không đi gặp cậu bạn cho đến khi Chantal buộc anh phải đi. Nhưng, chỉ đến khi người bạn đó mất đi, Jean-Marc mới thật sự hiểu người bạn của mình, đồng thời cũng thật sự hiểu ra sự trưởng thành của chính mình, cũng là sự trưởng thành, thậm chí đổi khác, của căn cước của mình: “Nhưng anh nhổ vào những việc anh làm thời trung học! Từ hồi trẻ, mà có thể là từ thời thơ ấu, anh đã khao khát một điều hoàn toàn khác: tình bạn như là một giá trị cao nhất vượt trên mọi giá trị khác.” “Anh đã trở nên bi quan đến mức ngày nay sẵn sàng thích sự thật hơn là tình bạn.” Quan điểm tình bạn của Jean-Marc đã thay đổi, đồng nghĩa với việc anh ta phủ nhận con người cũ và đã trưởng thành. Ngay trong quá trình trưởng thành của mình, Jean-Marc cũng thể hiện một sự nhận thức khác biệt, mà sự nhận thức ấy đều diễn ra xoay quanh cái chết của F. - người bạn của anh ta. Từ việc lên án F. cho đến việc bảo vệ F. khi anh ta đã chết, và tự cho rằng bản thân mình mới là kẻ bất lịch sự khi đã không nhìn ra ý nghĩa thực sự trong hành động của F., nhất là khi hành động của F. cũng chính là cách hành xử mà Chantal khẳng định là hợp lí của thời đại này, đó mới chỉ là thông tin đầu tiên thêm vào căn cước của Jean-Marc. Cho đến khi Jean-Marc quyết hóa thân thành C.D.B. thì anh ta thực sự đã tự mình tráo đổi căn cước của bản thân.

Nhận thấy Chantal rất ám ảnh bởi chi tiết nàng không được cánh đàn ông nhìn khi ra ngoài phố, Jean-Marc đã rất nhạy cảm, một mặt anh thầm trách nàng không nghĩ gì đến anh khi anh đã vội vã chạy đến bên nàng, mặt khác anh đóng giả thành một người hâm mộ nàng trên phố để viết thư cho nàng. Những bức thư không hẳn là tỏ tình, cũng không hẳn là khiêu khích, chỉ đơn giản là bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thể hiện sự ngoái nhìn của một người đàn ông với một người đàn bà đẹp mà anh ta vô tình gặp trên phố, và người đàn bà ấy khiến anh ta không thể không bày tỏ cảm xúc. Khi nhận thấy người tình của mình đang bị điều khiển cảm xúc bởi bức thư ấy, Jean-Marc vừa vui, vừa ghen tị với chính nhân vật hư ảo do mình tạo ra, thậm chí anh ta còn đối thoại với chính nhân vật tưởng tượng ấy trong cuộc hẹn hò của hai người - anh ta và Chantal: “Dẫu sao, anh vẫn rất muốn nói chuyện với gã. Bởi đó là alter ego của anh!” “Anh muốn một hôm nào đó sẽ bảo gã, đi uống với tôi một tách cà phê đi, bởi anh là alter ego của tôi. Anh đang sống một số phận mà tôi chỉ do ngẫu nhiên mới thoát ra được.” Dù ngồi bên cạnh người tình, dù hai người đang đối diện với nhau, cả Jean-Marc và Chantal đều theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Đặc biệt, Jean-Marc còn hiển nhiên khẳng định một cái tôi khác, một bản ngã khác đang tồn tại, tồn tại một cách vô hình dù cái tôi khác ấy do chính anh tạo ra. Anh trò chuyện với nó cứ như nó đang hiện hữu trước mắt anh vậy. Alto ego - cái tôi thay đổi/ thay thế, bản ngã thay đổi/ thay thế. Thực sự Jean-Marc đã tự biến đổi bản thân mình khi viết thư cho Chantal, biến mình thành một anh chàng lãng mạn, viết những lời lẽ mùi mẫn để đánh vào tâm lí của Chantal. Khi viết thư, Jean-Marc (người mang bản ngã của C.D.B) tìm cách chiếm được cảm tình của Chantal - người tình của anh, còn ngoài đời thực, Jean-Marc lại nhìn Chantal như một sinh thể hoàn toàn khác: “Anh hình dung em hoàn toàn không phải như anh vẫn hình dung. Rằng mình bị nhầm lẫn về căn cước của em.” Thậm chí, Jean-Marc còn thầm nghĩ về Chantal như một người đã phản bội, phản bội lại chính người tình của mình: “Nhưng xuyên qua hình ảnh đó lập tức hiện ra khuôn mặt thật của Chantal ngồi đối diện. Anh cảm thấy trên bàn tay mình hơi ấm lòng tay nàng, nó nhanh chóng giải thoát anh khỏi ấn tượng rằng trước mặt anh đang ngồi một người xa lạ, một người phản bội” mà không biết rằng chính anh ta, trong vai của C.D.B. cũng là một kẻ phản bội. Nói cách khác, Jean-Marc đang tự huyễn bản thân mình về một hình dung khác lạ về người tình của mình, để rồi khi nhận ra sự thật, cả hai đều không thể tự vượt thoát và tha thứ cho nhau, cho đến khi họ cảm nhận sự hoán đổi cái tôi/ bản ngã/ căn cước đó của mình sẽ dẫn đến hậu quả gì. Nhận ra điều đó, Jean-Marc quyết định sẽ chấm dứt những bức thư. Đó cũng là lúc Chantal phát hiện ra ai mới là người chủ thực sự của những bức thư ấy. Nàng thực sự bị sốc, cảm thấy bị phản bội, cảm thấy bị cười nhạo và tổn thương. Đó chính là lí do nàng bỏ đi và rồi bi kịch xuất hiện. Đó cũng là tình huống để họ nhận ra: dù trong những bản ngã nào, thì chỉ có một bản ngã duy nhất làm nên căn cước của họ là không thay đổi: tình yêu của họ dành cho nhau.

Trong tác phẩm, Milan Kundera để cho nhân vật Jean-Marc kí tên C.D.B. Đây là tên viết tắt của Cyrano de Bergerac. Cyrano de Bergerac là một vở kịch thơ gồm 5 màn của Edmond Rostand, được công diễn lần đầu năm 1897 và xuất bản năm 1898. Cyrano de Bergerac là một nhà quý tộc sống ở thế kỉ XVII tại Paris, nổi tiếng với chiếc mũi to đặc biệt và những cuộc phiêu lưu táo bạo. Cyrano de Bergerac xuất thân cao quý, vẻ ngoài hào hoa, có nhiều tài năng, đặc biệt là tài năng văn chương; nhưng Cyrano de Bergerac luôn mặc cảm vì chiếc mũi to và nghĩ sẽ không có ai yêu mình vì chiếc mũi ấy. Vì sự tự ti, Cyrano de Bergerac đã để vuột mất tình yêu, mà cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời Cyrano mới dám thổ lộ với Roxane. Và lúc ấy Roxane mới nhận ra người mình yêu chính là Cyrano de Bergerac. Nhờ thế, Cyrano de Bergerac mới thực sự thanh thản ra đi. Câu chuyện về Cyrano de Bergerac (C.D.B.) về một khía cạnh nào đó thực ra không có hậu, dù nhân vật chính đều hiểu anh ta cần làm gì để có được tình yêu của mình. Nhưng vì bản ngã quá tự ti, anh ta đã đánh mất cơ hội của mình. Anh ta không dám đối diện với căn cước thật, dù căn cước thật ấy sau này khiến anh ta hiểu đó mới chính là thứ anh ta được yêu. Căn cước, khuôn mặt, bản ngã cần phải luôn được nhìn nhận một cách đúng đắn và tự tin. Nếu không, con người sẽ đánh mất cơ hội và thậm chí đánh mất chính mình.

Jean-Marc kí tên C.D.B. khiến cho Chantal không ngừng tưởng tượng về cái tên đó. Cuối cùng nàng tìm ra một cái tên khả dĩ cho suy luận của mình: du Barreau, và cái tên đó hiện diện trong mọi suy nghĩ của nàng, nhất là mỗi khi nàng ra đường và kiếm tìm người đã viết thư cho mình. Đó có thể là người hàng xóm, người bồi bàn, thậm chí người ăn xin. Thực ra C.D.B. chưa đến với Jean-Marc ngay lá thư đầu tiên. Chỉ sau lá thư đầu tiên, lá thư mà “anh đã mang mặt nạ một kẻ lạ viết thư cho nàng” và nhận được phản hồi của nàng, Jean-Marc mới ký tên C.D.B. cho lá thư thứ hai: “Viết lá thư thứ hai, anh quyết định: mình sẽ là Cyrano; Cyrano: con người mang mặt nạ người khác để thổ lộ tình yêu với người phụ nữ mình yêu; con người đã thoát khỏi tên mình, bỗng thấy tài hùng biện bất ngờ được tháo cũi sổ lồng. Chính vì thế anh đã kí vào dưới lá thư: C.D.B. Mã hiệu đó chỉ một mình anh hiểu. Đó là dấu hiệu ngầm về sự hiện diện của anh. C.D.B: Cyrano de Bergerac.” Trong vai Cyrano, Jean-Marc đã lập được một chiến công vĩ đại: mê hoặc được nàng. Nhưng đồng thời với cảm giác kiêu hãnh vì đã thành công trong việc quyến rũ người tình, lại là cảm giác ghen tuông khủng khiếp, vì Chantal của anh lại dễ dàng bị quyến rũ bởi kẻ khác như vậy, bởi chính “bóng ma của một gã đàn ông khác”. Cơn ghen, sự đau đớn của Jean-Marc đã biến người phụ nữ anh yêu thành “ảo tượng của người phụ nữ được yêu”, đồng thời biến anh thành một kẻ khác, một kẻ chỉ biết đến bản thân mình và lên án người khác: “Đối diện với nàng Chantal đã biến đổi bản thể (hay đã mất đi bản thể) này, anh có cảm giác dửng dưng sầu muộn lạ lùng.” Jean-Marc và Chantal, cả hai đều đã bị biến đổi căn cước, một cách vô tình khi tham gia trò chơi của nhau.

Jean-Marc không giống như Cyrano de Bergerac; anh ta đã phạm sai lầm khi không muốn vô hình hóa bản thân mình. Chính vì thế, anh ta đã bị bóc trần khuôn mặt mới, căn cước mới; bóc trần một cách bẽ bàng. Đó là cảm giác chung của cả anh và Chantal, chứ không phải cảm giác của một mình Chantal. Đó là sự thất bại của Jean-Marc so với Cyrano de Bergerac. Bởi khi Cyrano thổ lộ, anh ta có được tình yêu và sự thanh thản, còn khi Jean-Marc thổ lộ, anh ta đã làm sụp đổ cả hai người, ít nhất đó là cảm giác bất lực dẫn hai người đến một tình thế cực kì khó xử và buồn bã khi họ cùng theo ảo ảnh đến London, cùng sa vào câu chuyện quái đản về sự biến mất căn cước của bản thân. Rất may, tất cả chỉ là giấc mơ và Jean-Marc vẫn đang ở bên cạnh Chantal.

Qua những diễn biến của cốt truyện, có thể thấy, hành trình của Jean-Marc và Chantal đều là hành trình của hai con người đi tìm bản ngã - căn cước - cái tôi của mình trên cơ sở nhận thức lại về mối quan hệ của họ: tình yêu - sự quan tâm - sự sẻ chia. Chantal ngờ vực sự quan tâm thái quá - thông qua trò chơi với dụng ý tốt của Jean-Marc là một sự theo dõi của một kẻ gián điệp rình mò, kiểm soát cuộc sống riêng tư của nàng, cuộc sống mà nàng đã bị đánh mất từ khi bước vào cuộc hôn nhân đầu tiên và nàng đã phải rất cố gắng mới thoát ra được. Còn Jean-Marc thì ngờ vực vị thế của chính mình trong lòng người tình, và tìm cách hóa thân thành một người khác để muốn kiểm chứng tình yêu đó. Hành trình kiếm tìm con người thật của các nhân vật là hành trình họ thử nghiệm và hóa thân qua nhiều căn cước khác nhau, để rồi cuối cùng nhận ra, nếu họ không thực sự nhìn nhận đúng mực về bản thân mình thì rồi họ sẽ đánh mất tất cả, tất cả những gì họ có về người tình của mình - mối quan tâm và người thân yêu duy nhất của họ trên thế giới sẽ chỉ là ảo tượng mà thôi: “Nếu như Chantal chỉ còn là một ảo tượng thì cả cuộc đời Jean-Marc cũng là ảo tượng mà thôi.” Với cuốn Bản nguyên/ Căn cước, “vấn đề con người quay cuồng đi tìm mình, đi tìm cái bản nguyên của mình, các khả năng con người của mình... trong thế giới hiện đại càng trở nên bức bối, thống thiết hơn bao giờ hết” (Nguyên Ngọc, “Lời bạt”, Milan Kundera, Tiểu thuyết (Sự bất tử, Chậm rãi, Bản nguyên), Ngân Xuyên dịch, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 1999, tr. 760-761).

Không phải ngẫu nhiên các nhân vật trong tác phẩm của Milan Kundera cứ băn khoăn, bồn chồn và bị lòng vòng trong những căn cước hay trong mê cung tâm trạng của chính mình. Đó là bởi vì tác giả của chúng, nhà văn Milan Kundera, cũng bị bủa vây bởi những căn cước văn hóa khác nhau, những cách hành xử khác nhau khi tự xác định mình mang bản sắc gì: bản sắc Pháp hay bản sắc Séc. Đó là một hành trình không dễ dàng của một người di cư, một người tha hương vừa khát khao hòa nhập vào thế giới mới, nhưng vẫn còn những ám ảnh của bản sắc văn hóa cũ. Dung hòa hai bản sắc ấy, cân bằng hai bản sắc ấy để chúng cùng chung sống trong một con người không dễ. Cả hai mặt của một con người (mặt kiên định bản ngã/ căn cước Séc có lẽ được biểu tượng qua nhân vật nữ Chantal, mặt biến đổi và thích nghi với căn cước mới/ bản ngã Pháp có lẽ được biểu tượng qua nhân vật nam Jean-Marc) sẽ thực sự hòa hợp với nhau trong con người của Milan Kundera bằng một tình yêu vô tư và kiên định cho cả hai quê hương, hai nền văn hóa, hai bản sắc. Bởi “không có khả năng thay đổi thế giới và sẽ không bao giờ thay đổi được nó”, con người cần phải dung hòa và thích nghi với cái thế giới đầy bất định và biến ảo đó. Con người luôn cần phải biến đổi, kiếm tìm căn cước, bản nguyên của mình để có thể hòa hợp với thế giới ấy. Nếu không “cuống quýt đi tìm mình”, con người sẽ bị mất tích giữa thế giới hiện đại.

Đ.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)